CÔNG TY TNHH AUTO HTM - ĐẠI LÝ DỊCH VỤ ỦY QUYỀN DENSO TP. HCM

  Hotline: 0909 666 392

  Giờ mở cửa: 7:30 - 17:30 (Thứ 2 - Thứ 7)

ĐỔ NGHÌN TỶ XÂY DỰNG NHÀ MÁY Ô TÔ CON TẠI VIỆT NAM ?

Lượt xem: 1819 - Ngày đăng : 02/10/2020

 

Thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng, nhưng đầu tư sản xuất đang gặp phải những rủi ro lớn. Nếu không sớm ban hành những chính sách đột phá sẽ khó phát triển, doanh nghiệp dễ phá sản.


Mơ bán 1,8 triệu ô tô/năm: Đổ nghìn tỷ xây nhà máy, vừa làm vừa lo

Đầu tư lớn

► Tập đoàn Thành Công và Công ty Hyundai Motor đã động thổ xây dựng nhà máy ô tô mới tại Ninh Bình. Nhà máy được xây dựng trên tổng diện tích 50ha của KCN Gián Khẩu, với tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm. Nhà máy sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, sản xuất những mẫu xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 và Euro 6.

► Ngay sau đó, Tập đoàn Thành Công cũng khởi công Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô tại tỉnh Quảng Ninh. Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công, cho biết, đây sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao để phục vụ sản xuất và cả xuất khẩu.

► Công ty Ford Việt Nam cũng vừa hoàn tất quá trình đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy ở tỉnh Hải Dương, với công suất đạt 40.000 xe/năm, vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng. Cùng với đó, Ford Việt Nam cũng cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Việt Nam, đẩy mạnh nội địa hóa sản phẩm.

► Còn Toyota Việt Nam đang trong giai đoạn mở rộng, nâng cấp nhà máy tại Mê Linh (Vĩnh Phúc) từ 50.000 xe/năm lên 90.000 xe/năm, thời điểm hoàn thành vào năm 2023, cùng với đó đẩy mạnh phát triển các nhà cung cấp linh kiện tại chỗ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

► Vào cuối năm 2019, Công ty Trường Hải đã đầu tư nâng công suất nhà máy ô tô Kia từ 20.000 xe/năm lên 50.000 xe/năm. Trước đó, vào đầu năm 2018, Trường Hải đã đưa vào hoạt động nhà máy ô tô Mazda giai đoạn 1, công suất 50.000 xe/năm. Bên cạnh đó, Trường Hải đã xây dựng chiến lược nội địa hóa và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Trường Hải có 12 nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng, không chỉ cung cấp cho các DN trong nước mà còn xuất khẩu.

► Giữa năm 2019, Tập đoàn Vingroup đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng với công suất 250.000 xe/năm.

Các DN cho biết, đầu tư lớn vào phát triển sản xuất, bởi thị trường ô tô Việt Nam rất tiềm năng. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt quy mô 750.000-800.000 xe, năm 2035 đạt từ 1,7-1,85 triệu xe. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng nhanh, đây chính là những khách hàng tiềm năng của dòng xe cá nhân.

Lo ngại rủi ro

Phát biểu tại buổi lễ khởi công Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng xu hướng "ô tô hoá" đang gia tăng mạnh mẽ khi nhu cầu sở hữu ô tô ngày càng cao. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều, trong khi ô tô sản xuất trong nước đạt tỷ lệ nội địa hoá rất thấp.

Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu của Chính phủ là phải có ô tô thương hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị ngành ô tô, tăng dần tỉ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như tiến tới tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp ô tô toàn cầu.

Nhiều DN vẫn đang đầu tư, mở rộng sản xuất ô tô và trông đợi sự hỗ trợ của Chính phủ

Chính phủ khẳng định ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Sắp tới sẽ có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển ngành ô tô Việt Nam trước xu hướng ô tô hóa - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, đầu tư sản xuất ô tô cũng đang gặp phải những rủi ro lớn. Ô tô nhập khẩu với thuế suất 0%, thủ tục thông quan thông thoáng, ngày càng tràn vào Việt Nam nhiều. Trong khi ô tô sản xuất trong nước tăng trưởng giảm. Chi phí sản xuất cao nên xe nội địa khó cạnh tranh với xe nhập khẩu về giá.

Chẳng hạn, Toyota Việt Nam quay lại lắp ráp mẫu Fortuner rất chật vật, giá bán vẫn cao hơn so với xe nhập khẩu, doanh số không như mong đợi. Còn VinFast lỗ hàng trăm triệu đồng với mỗi xe bán ra, nửa đầu năm 2020 lỗ tới gần 6.600 tỷ đồng.

Đầu tư lớn mà giá thành cao, doanh số bán thấp khó cạnh tranh với xe nhập khẩu thì rủi ro hơn so với làm thương mại. Chính phủ đã cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô với những chính sách đột phá, nhưng DN ô tô vẫn phải chờ đợi.

Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa ban hành. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (cụ thể là giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô, trình Quốc hội vào tháng 10/2020. Các DN rất trông chờ chính sách này sớm ban hành, như vậy sẽ giúp ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có thêm lợi thế cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Nhóm công tác về ô tô xe máy của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, các hàng rào kỹ thuật hay hàng rào hành chính sẽ không thể giải quyết hiệu quả và tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc với xe lắp ráp trong nước, cũng không tạo điều kiện phù hợp để thị trường phát triển lành mạnh. Chỉ có các giải pháp về thuế là nên được triển khai để tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài. Thuế tiêu thụ đặc biệt đang soạn thảo, trên cơ sở không áp dụng cho phần gia tăng trong nước, có thể là giải pháp hợp lý.

“Chúng tôi hy vọng năm 2020 chính sách này sẽ được ban hành, có như vậy nhà đầu tư mới yên tâm và ngành công nghiệp ô tô có thể phát triển hơn nữa”, ông Lê Ngọc Đức kỳ vọng.

Làm ô tô lỗ ngàn tỷ, ‘cuộc chơi’ tốn kém, thách thức sức chịu đựng

Đầu tư làm ô tô là “cuộc chơi” vô cùng tốn kém. Có những doanh nghiệp phải chịu lỗ từ 5-10 năm, thậm chí là 20 năm. Có những doanh nghiệp gánh chịu rủi ro rất lớn khi phải rời cuộc chơi và ôm đống lỗ.

Công ty ô tô VinFast vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2020 với khoản lỗ ròng lên tới 6.591 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy đầu tư làm ô tô thương hiệu Việt là “cuộc chơi” vô cùng tốn kém.

Từ khi ra mắt đến nay, các mẫu xe của VinFast đều bán lỗ. Mức lỗ hiện có thể lên tới 500 triệu đồng cho các mẫu xe Lux A2.0, Lux SA 2.0. Trong khi đó, VinFast vẫn liên tục đầu tư lớn cho sản xuất.

Nhà máy ô tô VinFast có mức đầu tư lên tới 28.116 tỷ đồng. VinFast cũng mở văn phòng nghiên cứu phát triển các mẫu xe, mua trung tâm thử nghiệm tại Úc và đầu tư sản xuất ô tô điện để thâm nhập thị trường Mỹ.

Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, VinFast đầu tư lớn cho sản xuất ô tô, thương hiệu còn mới lạ, sản phẩm vừa ra mắt lại gặp ngay đại dịch Covid-19 thì khó khăn chồng khó khăn, thua lỗ là chuyện đương nhiên, ai cũng có thể hình dung ra.

Chắc chắn, VinFast còn tiếp tục chịu lỗ lớn trong các năm tới và đó là điều ông chủ hãng xe này cũng đã lường trước. Làm ô tô không phải là “cuộc dạo chơi”, ông Đồng nói.

VinFast lỗ 6.591 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020

Trước VinFast, tại Việt Nam đã có doanh nghiệp đầu tư lớn cho sản xuất ô tô thương hiệu Việt và kết cục đã bị phá sản.

Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) đến giờ vẫn ân hận, cho rằng đã dại dột khi đầu tư lớn để sản xuất ô tô con. Nếu chỉ nhập linh kiện về lắp ráp xe tải và bán thì hàng năm đều có lãi, sau mấy năm đã thu hồi vốn.

Song, vì khao khát muốn có ô tô thương hiệu Việt, ông đã dốc sức đầu tư mà hầu như không được hưởng ưu đãi gì. Trong khi, vay vốn ngân hàng thời điểm 2010-2011 lên tới 17-22%/năm nên rủi ro cao.

Dù đã sản xuất được khung xe hoàn chỉnh, với gần 400 chi tiết cùng một số linh kiện đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 40%, cao nhất lúc bấy giờ, song kết quả lại thảm hại. Ông Huyên phải bán cả nhà ở để có tiền trả lãi ngân hàng, phải bán sắt vụn lấy tiền trả lương người lao động...

Đến nay, nhà máy ô tô với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng đã trở thành đống sắt vụn, nợ chồng chất, sản nghiệp mất sạch.

Không phải “cuộc dạo chơi”

Theo ông Huyên, làm ô tô thương hiệu Việt rất khó khăn nên nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư. Muốn tạo ra sản phẩm ô tô thương hiệu Việt, trước tiên phải có được thiết kế toàn xe. Để nội địa hóa thì có tới 94% công việc là tập trung vào sản xuất các loại phụ tùng.

Nhìn tổng thể thì một chiếc ô tô rất phức tạp, có đến trên 20.000 chi tiết khác nhau và sử dụng nhiều công nghệ về cơ khí và luyện kim hiện đại.

Muốn nội địa hóa một chiếc ô tô tới 50%, cần đầu tư công nghệ để làm thân vỏ xe trước, tiếp đến là cụm phụ tùng động cơ và hộp số,...

Ngay từ lúc xây dựng, phải đảm bảo công suất tối thiểu là 50.000 sản phẩm/năm. Vì vậy, đây là khoản chi phí rất lớn.

Chỉ tính riêng tiền dành cho nghiên cứu phát triển sản phẩm, thuê chuyên gia, chế thử,... cũng chiếm đến 20- 30% tổng chi phí của dự án. Sau khi ra sản phẩm, còn phải thực hiện chiến lược marketing từ 1-3 năm mới bán được hàng.

Trong khi đó, quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ so với các nước trong khu vực và thế giới, thương hiệu lại mới lạ, nếu sản phẩm làm ra không có chất lượng tốt và giá cạnh tranh, rất khó thành công.

Tuy nhiên, mong ước về một ngành công nghiệp hùng mạnh, về những chiếc ô tô của người Việt chiếm lĩnh thị trường, có mặt trên mọi nẻo đường là khát vọng của không ít doanh nghiệp, theo ông Huyên.

Nếu Chính phủ có chiến lược, chính sách, quy hoạch phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thì sản xuất ô tô sẽ phát triển. Trong khu vực, chỉ nên học Thái Lan về phát triển công nghiệp hỗ trợ bởi nước này không có thương hiệu ô tô riêng.

Muốn có thương hiệu ô tô riêng phải học Hàn Quốc. Nếu Chính phủ Hàn Quốc không có những chính sách khuyến khích phát triển ô tô thương hiệu Hàn hiệu quả, nếu người dân Hàn Quốc không sử dụng ô tô thương hiệu Hàn thì các doanh nghiệp như Hyundai hay Kia khó có sự phát triển như ngày nay, ông Huyên nói.

Với xe nhập được hưởng ưu đãi thuế 0% tràn vào ngày càng nhiều thì đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô trong nước rất rủi ro. Chính phủ đã cam kết thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô với những chính sách đột phá, nhưng tới nay vẫn chưa thấy.

 

AUTO HTM SERVICE

 

 

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ 

CÔNG TY TNHH AUTO HTM – ĐẠI LÝ DỊCH VỤ ỦY QUYỀN DENSO TP. HCM

► Địa Chỉ: C7/27C2 Phạm Hùng, Bình Hưng, Bình Chánh, TP. HCM

► Mobile: 0909 666 392

► Tel:  028 3758 3113

► Fax: 028 3758 3119

► Email: contact@auto-htm.com

Khuyến mại dịch vụ
BẢO TRÌ TỐI ƯU HIỆU SUẤT VẬN HÀNH
Sản phẩm dịch vụ
KHỬ MUỘI THAN CACBON
THAY NHỚT HỘP SỐ TỰ ĐỘNG AT & CVT
VỆ SINH, SẠC GA & DẦU ĐIỀU HÒA

© 2020 Công ty TNHH AUTO HTM